"Đây không phải là phong toả thành phố, đề nghị các cơ quan, đơn vị tuyên truyền cho người dân hiểu rõ mục đích của việc này", Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong nói tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng chống Covid-19 tối 3/4. Tổng cộng có 16 chốt chính và 46 chốt phụ.
Người đứng đầu chính quyền thành phố yêu cầu 24 quận huyện tăng cường kiểm soát, xử lý nghiêm người không đeo khẩu trang và tụ tập trên hai người ở nơi công cộng. Riêng Công an TP HCM được giao mở đợt cao điểm phòng, chống tội phạm trong suốt tháng 4.
Bên cạnh đó, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP HCM phối hợp Sở Lao động – Thương binh và Xã hội cùng các quận, huyện kiểm tra, giám sát việc tổ chức biện pháp phòng dịch tại các cơ sở bảo trợ xã hội, cơ sở dưỡng lão...
Từ ngày 1/4, CSGT và Thanh tra giao thông Sở Giao thông Vận tải lập 10 chốt kiểm soát ở các cửa ngõ để kiểm soát ôtô (kinh doanh) ra vào thành phố. Sau 3 ngày kiểm tra, hầu hết người dân, doanh nghiệp chấp hành quy định về phòng chống dịch của thành phố.
Tính đến chiều 3/4, thành phố ghi nhận 53 ca nhiễm nCoV (18 ca đã khỏi bệnh); 3 ca dương tính đang chờ Bộ Y tế công bố. 8.008 người đang theo dõi sức khỏe ở các khu cách ly tập trung của thành phố và quận, huyện.
Hiện, thành phố đã xác minh, tiếp cận 5.318 người người nhập cảnh từ ngày 8/3 chưa cách ly tập trung, lấy mẫu xét nghiệm 2.746 người.
Sau khi Thủ tướng có Chỉ thị 16 về " cách ly xã hội " để chống dịch bệnh. UBND thành phố giao Sở Tư pháp tham mưu việc lập các chốt, trạm kiểm dịch các đầu mối giao thông ra, vào vùng dịch.
Theo đó, việc lập các chốt, trạm kiểm soát được lập theo Điều 53 Luật Phòng, chống truyền nhiễm. Các biện pháp gồm:
- Hạn chế ra, vào vùng có dịch đối với người và phương tiện; trường hợp cần thiết phải kiểm tra, giám sát và xử lý y tế.
- Cấm đưa ra khỏi vùng có dịch những vật phẩm, động vật, thực vật, thực phẩm và hàng hóa khác có khả năng lây truyền bệnh dịch.
- Thực hiện các biện pháp bảo vệ cá nhân đối với người vào vùng có dịch quy định tại khoản 1 Điều 51 của luật này, và các biện pháp cần thiết khác theo quy định.
Những trường hợp phiên dịch vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính 10-20 triệu đồng theo Điều 11 Nghị định năm 2013 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế.
Hữu Công
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét